Khám phá những công trình, địa điểm mang đậm dấu ấn Sài Gòn xưa và nay
Một Sài Gòn của khoảng 45 năm trước và hiện tại, thay da đổi thịt thế nào? Chúng tôi đã tập hợp một số bức ảnh về Sài Gòn từ cuối thập niên 60 đến năm 1975 của thế kỉ trước, và chụp lại chính những góc hình đó của Thành phố, ở thời điểm ngày nay.
MỤC LỤC [Hiện]
Sài Gòn - Gia Định - TP. Hồ Chí Minh: Xưa và nay
Sau 46 năm phát triển và đổi thay với tên gọi Thành phố Hồ Chí Minh, hãy cùng nhìn lại một số góc ảnh về công trình, địa điểm vừa lưu giữ nét cổ xưa, vừa mang dấu ấn hiện đại của TP hơn 300 tuổi. Một số công trình cũng đã được xây dựng mới hoàn toàn để phù hợp với dáng vóc và sự phồn thịnh của đô thị trẻ.
Chợ Bến Thành xưa và nay
Nguyên thủy, chợ Bến Thành đã có từ trước khi người Pháp xâm chiếm Gia Định. Ban đầu, vị trí chợ nằm bên bờ sông Bến Nghé. Bến này dùng cho khách vãng lai và quân nhân vào thành vì vậy có tên gọi là Bến Thành. Ngôi chợ mới do hãng thầu Brossard et Maupin khởi công xây dựng từ năm 1912 đến cuối tháng 3 năm 1914 thì hoàn tất.
Chợ Bến Thành hoạt động liên tục trong 70 năm. Từ ngày 1 tháng 7 đến 15 tháng 8 năm 1985, chợ Bến Thành được cải tạo và sửa chữa lớn. Ngoài vẻ đẹp về mặt kiến trúc ra, chợ Bến Thành là địa danh chứng kiến biết bao thăng trầm nhưng đầy anh dũng của vùng đất hơn 300 năm tuổi.
Tranh Chợ Bến Thành được Golden Gift Việt Nam chế tác sẽ là món quà ý nghĩa mang đậm dấu ấn TP. Hồ Chí Minh.
Ngày nay, chợ tọa lạc ở một trong những vị trí đẹp nhất đó là trung tâm của Quận 1. Chợ Bến Thành đã và đang có nhiều đóng góp về mặt kinh tế, du lịch cũng như làm nâng cao hình ảnh của Thành phố.
Uỷ ban Nhân dân Thành phố xưa và nay
Trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những công trình kiến trúc cổ kính nổi tiếng của thành phố Hồ Chí Minh, được xây dựng từ năm 1898 đến 1909 do kiến trúc sư Femand Gardès thiết kế mô phỏng theo kiểu những lầu chuông ở miền bắc nước Pháp. Thời Pháp thuộc, nơi đây được gọi là dinh Xã Tây, dinh Đốc Lý, là trụ sở là việc của Hội đồng Thành phố, về sau trở thành Tòa thị sảnh. Từ năm 1954 đến 1975, được gọi là Tòa đô chính Sài Gòn.
Sau ngày 30/4/1975, nơi đây trở thành Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Địa danh Tòa nhà UBND TP. HCM cũng được tái hiện rõ nét qua bức tranh mạ vàng độc đáo.
Dinh Độc Lập xưa và nay
Dinh Độc Lập là một công trình kiến trúc quan trọng bậc nhất ở TP.HCM, đặc biệt trong thời khắc giải phóng miền Nam. Bức ảnh trước được chụp vào ngày 30/4/1975, sau khi các chiến sĩ quân giải phóng chạy vào Dinh Độc Lập cắm cờ Cách mạng, các tầng lớp nhân dân Sài Gòn đến mừng chiến thắng.
Sau hơn 45 năm, Dinh Độc Lập vẫn tọa lạc trên con đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa tấp nập dòng xe qua lại, những lá cờ Tổ quốc vẫn phấp phới bay.
Sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc đó như khẳng định thêm lần nữa qua bức tranh Dinh Độc Lập mạ vàng.
Bảo tàng Lịch sử - Thành phố Hồ Chí Minh xưa và nay
Bảo tàng Lịch sử - Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập ngày 23/8/1979 trên cơ sở tiếp thu “Viện Bảo tàng Quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn”, nơi trưng bày về mỹ thuật cổ một số nước Châu Á. Từ năm 1929, bảo tàng được xem như là một bảo tàng đầu tiên ra đời ở Nam Kỳ và mang tên Blanchard de la Brosse (tên của viên Thống đốc Nam Kỳ lúc bấy giờ).
Trong những năm qua, bảo tàng đã nhiều lần cải tạo, mở rộng diện tích, nâng cấp chỉnh lý mỹ thuật, vừa giới thiệu quá trình lịch sử dân tộc Việt Nam, một số đặc trưng văn hóa Nam bộ; vừa giới thiệu chung một số nét văn hóa của các nước láng giềng và trong khu vực, tạo cho bảo tàng một bản sắc riêng và đã trở thành một địa chỉ văn hóa của thành phố được thanh thiếu niên cùng nhiều khách tham quan trong và ngoài nước biết đến.
Khách sạn Rex xưa và nay
Đầu những năm 1900, Khách sạn REX (bốn mặt tiền đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi - Lê Thánh Tôn - Pasteur, Q.1) vốn là garage sửa xe hơi 2 tầng do người Pháp xây dựng. Năm 1959, vợ chồng ông Ưng Thi - một gia đình thân tộc với cựu hoàng Bảo Đại, đã mua lại và cải tạo thành cao ốc 6 tầng.
Cùng với sự năng động của TP.Hồ Chí Minh, REX vẫn tiếp tục đổi thay mãnh liệt nhưng tính truyền thống của “Ngôi nhà Việt Nam” vẫn được bảo tồn. Năm 2010, REX được đổi mới mạnh mẽ và đưa không gian Việt tới từng chi tiết nhỏ vào khách sạn. Những bức tranh điện màu mè được thay bằng những bức tranh, ảnh về Sài Gòn xưa. Có những bức ảnh ghi lại Sài Gòn hơn trăm năm trước, ảnh tuy mộc, nhưng mang giá trị nghệ thuật, lịch sử rất cao. Tuy vậy, “phần hồn” của REX trong tổng thể kiến trúc và bày biện đồ dùng vẫn còn lưu giữ với tuổi đời hơn trăm năm.
Vẫn cùng một cái tên, nhưng Rex “xưa” và “nay” đã thật khác và ngày càng “đậm văn hóa Việt”, trở thành niềm tự hào của ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh.
Khách sạn Continental xưa và nay
Khách sạn Continental là khách sạn cổ nhất của đất Sài Gòn xưa với hơn 130 năm tuổi đời. Khách sạn nằm tại 132-134 Đồng Khởi, quận 1, được xây dựng năm 1880 do một kiến trúc sư người Pháp thiết kế.
Cho đến nay, tên khách sạn vẫn được giữ nguyên như những ngày đầu dù ngày giải phóng đã có lần đổi thành khách sạn Hải Âu. Continental có diện tích 3.430 m2, cao 3 tầng, nơi đây đã từng đón tiếp các vị tổng thống, thống đốc, nhà văn, người mẫu nổi tiếng…
Cầu Mống xưa và nay
Cầu Mống không có gì xa lạ trong lịch sử Sài Gòn. Đây là cây cầu kiểu Tây cổ nhất của Sài Gòn và có thể là cổ nhất Việt Nam còn tồn tại. Cầu xây từ năm 1893 và hoàn thành năm 1894. Gọi là cầu Mống, vì phần gầm cầu có dạng vòm lên như cái cầu vồng.
Trong giai đoạn thi công Đại lộ Đông – Tây và Đường hầm sông Sài Gòn vào những năm 2000, cầu Mống đã được tháo dỡ hoàn toàn. Sau khi các công trình này hoàn tất thì cầu Mống đã được lắp ghép lại theo nguyên bản, riêng các đường dẫn được phá bỏ và thay thế bằng bậc cấp cho người đi bộ.
Ngày nay, cây cầu lịch sử này vẫn là điểm đến nổi tiếng của giới trẻ thành phố cũng như du khách xa gần mỗi khi ghé thăm TP. Hồ Chí Minh.
Trường THPT Lê Quý Đôn xưa và nay
Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP. Hồ Chí Minh được xây dựng vào năm 1874 và hoàn thành 3 năm sau đó. Ban đầu, trường do người Pháp quản lý và có tên Collège Indigène (Trung học bản xứ), rồi đổi thành Collège Chasseluop Laubat. Năm 1954, trường mang tên Jean Jacques Rousseau.
Năm 1967, trường được trả cho người Việt mang tên Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn. Từ năm 1975 đến nay đổi tên là trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn. Hơn một thế kỷ qua trường vẫn giữ được kiến trúc ban đầu.
Phà Thủ Thiêm - Hầm vượt sông Sài Gòn xưa và nay
Tạm biệt bến phà 100 tuổi Thủ Thiêm, người dân nơi đây không khỏi bồi hồi, tiếc nuối,… Họ nhớ những kỉ niệm trên mỗi chuyến phà; những anh tài công, nhân viên, những hành khách quen thuộc,…
Sáng ngày 21 tháng 11 năm 2011, hầm Thủ Thiêm (nay được gọi là Hầm vượt sông Sài Gòn) chính thức được thông xe sau gần 7 năm thi công, kết nối hai bờ sông và giảm tải cho cầu Sài Gòn, đồng thời làm động lực cho sự phát triển của thành phố. Công trình được đánh giá là hầm vượt hiện đại nhất Đông Nam Á.
Kênh Tàu Hủ - Bến Nghé xưa và nay
Tàu Hủ - Bến Nghé là dòng kênh có lịch sử vận tải hơn 300 năm qua, hình thành cùng lúc với sự hình thành của vùng đất Gia Định năm xưa, TP. Hồ Chí Minh hôm nay. Nó đã đóng góp 1 phần vô cùng quan trọng cho sự phát triển của vùng đất trù phú này.
Một thời gian dài tuyến đường thủy Tàu Hủ - Bến Nghé bị bỏ hoang, bùn đất bồi lắng làm dòng kênh cạn dần; nhà cửa nhếch nhác, tạm bợ được cất san sát dọc hai bờ kênh; rác rếnh nổi lềnh bềnh trên dòng kênh lớn nhất chạy ngang trung tâm thành phố này…Và một kế hoạch dài hơi nhằm khôi phục vẻ mỹ lệ năm xưa của tuyến đường thủy quan trọng này đã được TP. Hồ Chí Minh thực hiện suốt 10 năm qua. Những khu nhà nhếch nhác được giải tỏa, những cây cầu mới thành hình, lòng kênh được nạo vét, những con đường tuyệt đẹp được hình thành dọc bờ kênh… Đến nay, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé đã hồi sinh.
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất xưa và nay
Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (trước đây được gọi là Phi trường Tân Sơn Nhứt) được xây dựng vào năm 1930 ở làng Tân Sơn Nhất, thuộc quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định. Chuyến bay đầu tiên từ Paris đến Sài Gòn ở sân bay Tân Sơn Nhất là vào năm1933, chuyến bay này kéo dài 18 ngày.
Ngày nay sân bay đã đươc tu bổ lại với phong cách hiện đại hơn và trở thành Cảng hàng không hàng đầu của miền Nam Việt Nam.
Đường Nguyễn Huệ (hay còn gọi là phố đi bộ Nguyễn Huệ) xưa và nay
Trước kia, tại vị trí Đại lộ Nguyễn Huệ ngày nay chính là kênh đào Charner, nối liền với sông Sài Gòn. Kênh đào Charner có lưu lượng hàng hóa vận chuyển tấp nập nên sau thời gian bị ô nhiễm nặng. Năm 1887, người Pháp cho lấp kênh đào và sáp nhập con đường ở hai bờ thành đại lộ Charner. Đại lộ Charner một đầu là Dinh Đốc Lý (nay là trụ sở UBND thành phố) và đầu kia là sông Sài Gòn. Không gọi theo tên Pháp đặt, người Sài Gòn gọi bằng cái tên dân gian là đường Kinh Lấp. Sau nhiều biến thiên lịch sử, năm 1956, đại lộ Charner được đổi tên thành Nguyễn Huệ – một trong những con đường đẹp nhất lúc bấy giờ.
Tháng 4 năm 2015, TP. Hồ Chí Minh khánh thành công trình quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ, được đưa vào vận hành với chiều dài 670 m, rộng 64 m. Toàn bộ trục đường từ trụ sở UBND thành phố đến Bến Bạch Đằng được lát đá granite với 2 đài phun nước và hệ thống cây xanh. Ngày 17/5/2015, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh – điểm nhấn cho toàn bộ công trình quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ - đã được khánh thành mừng kỷ niệm 125 ngày sinh của Bác. Hiện nay, nơi này trở thành phố đi bộ đầu tiên của Việt Nam.
Quà tặng lưu niệm Hồ Chí Minh
Thông qua nội dung mà Golden Gift Việt Nam đã giới thiệu ở trên, hy vọng bạn sẽ có thêm những góc nhìn về Thành phố mang tên Bác đã chuyển mình như thế nào trong suốt chiều dài lịch sử.
Ngoài ra, nếu bạn đang sinh sống hay có cơ hội đặt chân tại TP Hồ Chí Minh thì đừng quên khám phá những món quà lưu niệm mang đặc trưng của thành phố nhé.
Thu Trang/ Golden Gift Việt Nam